Năm 2022 có thể coi là năm GDP của Việt Nam liên tục đạt được những con số ấn tượng với những con số GDP từng Quý cao nhất trong năm năm trở lại đây (Quý 2 GDP đạt 7.72% và Quý 3 đạt 13.67%). Đây là những con số phản ánh tốc độ hồi phục và tăng trưởng vô cùng tốt sau khi trải qua hai năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 của Việt Nam. Tuy nhiên sang Quý 4/2022, chỉ số GDP lại giảm xuống chỉ còn 5.92%. Đây là kịch bản đã được dự đoán từ trước khi các đơn hàng xuất khẩu giảm, ghi nhận đầu tư nước ngoài cũng giảm, tình hình kinh tế và sức cầu thế giới chưa có dấu hiệu khả quan rõ rệt. Tính chung cả năm 2022 GDP tăng trưởng mức 8.02%.
So với cùng kỳ năm trước, CPI năm 2022 của Việt Nam tăng 3.15% và lạm phát cơ bản ở mức 2.59%. Con số lạm phát này vẫn nằm trong mức dự báo của Chính phủ nhưng nếu nhìn kĩ hơn chúng ta có thể nhận thấy chỉ số CPI từng Quý trong năm 2022 đang tăng liên tục, đặc biệt là chỉ số giá nhập khẩu nhiên liệu (vẫn đang đà tăng hơn 40%). Đặc biệt lạm phát ở Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với cung tiền. Cung tiền tăng thì lạm phát tăng và ngược lại. Bởi vậy chính sách mà Việt Nam đang áp dụng để kiềm chế lạm phát đó chính là kiểm soát chặt chẽ cung tiền, và việc áp trần tín dụng cũng là để thực hiện mục tiêu này. Nhưng đổi lại nó cũng bắt đầu thể hiện nhiều hệ lụy, đòi hỏi cần phải có những chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý cũng như linh hoạt, có định hướng lâu dài hơn để tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát trong năm 2023 được dự báo vẫn rất khó khăn.
Chỉ số IIP của Việt Nam được cải thiện và tăng liên tục kể từ đầu năm 2022. Mức tăng cao nhất ghi nhận vào thời điểm các tháng Quý 2 và Quý 3 năm nay. Sang đến các tháng cuối năm, IIP so với cùng kỳ vẫn tăng nhưng mức tăng đang có xu hướng giảm dần. Đặc biệt IIP tháng 12 chỉ tăng 0.2% so với tháng 11. Ngành chế biến chế tạo vẫn ghi nhận mức tăng IIP cao so với các ngành khác nhưng chung xu hướng giảm dần vào thời điểm các tháng cuối năm.
Trong phạm vi toàn quốc, có tổng cộng 411 Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Trên cơ sở khảo sát thành công 357 KCN, chúng tôi đã tiến hành tổng hợp và phân tích các yếu tố liên quan đến bất động sản Khu công nghiệp. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp đạt trên 87%. Ngoài ra các dịch vụ cho thuê kho bãi cũng đang ngày càng được đẩy mạnh, hiện tại có hơn 53% các KCN đã và đang cung cấp loại hình này và tập trung nhiều ở khu vực miền Nam.
Giá thuê đất và nhà xưởng
Về giá đất cho thuê, trên phạm vi cả nước, đa số các khu công nghiệp đang được cho thuê với khoảng giá <=50USD/m2/chu kỳ thuê (Hơn 26% số khu). Tiếp sau là mức giá 50-70 USD/m2/chu kỳ thuê (21% số khu). So với thời điểm 6 tháng trước, các khoảng giá từ 50-70 usd/m2/chu kỳ thuê và 71-90 usd/m2/chu kỳ thuê đều có xu hướng giảm (giảm tương ứng 7%- 5%). Các khoảng giá còn lại đều có xu hướng tăng, đặc biệt phân khúc giá 111-150 usd/m2/chu kỳ thuê tăng hơn 4%.
Các khu công nghiệp mới năm 2022
Khi phân chia Khu công nghiệp theo Nhóm 1, 2, 3 tùy thuộc khoảng cách địa lý với các Thành phố lớn, nhận thấy rằng ở miền Bắc chủ yếu các Khu công nghiệp thuộc nhóm 1 được xây dựng do chủ yếu là các khu ở gần thành phố Hải Phòng, các khu công nghiệp thuộc nhóm 2 và nhóm 3 cũng rất đa dạng. Thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc trong thời gian tới hứa hẹn sẽ mang đến sự đa dạng hơn rất nhiều cả về vị trí, cũng như tăng lượng cung về các loại hình bất động sản công nghiệp, tập trung thu hút các Nhà đầu tư. Trong khi đó tại miền Nam chủ yếu là các Khu công nghiệp thuộc nhóm 3 sẽ được xây dựng nhiều,chủ yếu tại hai tỉnh Long An và Cần Thơ. Và tại miền Trung, chủ yếu các Khu công nghiệp thuộc nhóm 3 được xây dựng, tại các tỉnh như Bình Thuận, Quảng Trị, Quảng Nam.
Tình hình các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp
Theo dữ liệu của HOUSELINK, trong năm 2022, cả nước có tổng cộng hơn 300 dự án FDI cấp mới đăng ký đầu tư vào các Khu công nghiệp, ghi nhận sự sụt giảm khá lớn về số lượng dự án so với năm trước và tổng vốn đầu tư thu hút cũng giảm đáng kể. Đây là một diễn biến đã được dự đoán trước khi có quá nhiều biến động trên trường quốc tế đã xảy ra trong năm 2022 trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa thể hoàn toàn chấm dứt. Xét theo từng Quý, chúng tôi ghi nhận sự sụt giảm sâu nhất vào thời điểm Quý 3/2022 so với cùng kỳ năm trước.
Xu hướng các dự án thuê đất xây dựng tại các Khu công nghiệp trong tương lai
Trong phần nội dung này, chúng tôi tập trung phân tích các dự án đã được đội ngũ HOUSELINK tập hợp và xác thực trong năm 2022 nhằm đảm bảo đưa ra những phân tích về các nguồn vốn đầu tư cụ thể trong năm. Trong năm 2022, các dự án đầu tư xây dựng tại KCN chủ yếu đến tư nguồn vốn DDI. Nếu như các năm trước các dự án FDI chiếm tỉ lệ nhiều hơn thì năm nay số lượng các dự án FDI giảm đi đáng kể.
Xem báo cáo và tương tác bằng PBI