Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I năm 2024 đạt 5.7% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất của quý I trong giai đoạn 2020 – 2023, mang lại tín hiệu tích cực sau năm 2023 nhiều thách thức. Cả ba khu vực là công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, nông, lâm nghiệp và thủy sản đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên giữa các khu vực này cũng có sự tăng trưởng khác nhau so với kịch bản đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng là lĩnh vực có sự tăng trưởng tốt nhất trong ba khu vực (tăng khoảng 6.3%, trong đó riêng ngành công nghiệp tăng 6.18%) và cũng cao hơn nhiều so với kịch bản đề ra trong Nghị quyết (5.5%). Hai khu vực còn lại đạt tăng trưởng dương nhưng mức tăng trưởng đều thấp hơn so với kịch bản đề ra. Ngoài ra, sự khởi sắc trên thị trường xuất nhập khẩu cũng là động lực chính cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của GDP trong quý này.
Dòng chảy FDI đang dần thay đổi trên quy mô toàn cầu. Nếu như giai đoạn trước dịch bệnh, Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ đang có sự cạnh tranh trong việc thu hút nguồn vốn này, thậm chí Châu Âu và bắc Mỹ đã có nhiều thời điểm là điểm đến lớn nhất của vốn FDI. Nhưng theo quan sát, dòng chảy FDI vào khu vực Châu Á đang có xu hướng tăng trưởng rất đều đặn, đặc biệt giai đoạn dịch bệnh Covid-19 khi nguồn vốn FDI vào các khu vực khác giảm thì khu vực Châu Á vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Tính đến thời điểm năm 2022, Châu Á đang là khu vực thu hút nhiều vốn FDI nhất trên toàn cầu (chiếm tới hơn 50% tổng lượng vốn FDI toàn cầu với CAGR khoảng 5%). Với tiềm năng tăng trưởng lớn của các nước trong khu vực, dự báo trong tương lai khu vực Châu Á vẫn tiếp tục là điểm đến lý tưởng của nguồn vốn FDI.
Tính đến cuối năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 36.6 tỷ USD, ghi nhận mức tăng 32.1% so với 2022, chạm gần mốc 38 tỷ USD ở thời điểm trước Covid-19 (2019). Về tổng mức vốn FDI thực hiện, năm 2023 ghi nhận con số cao nhất kể từ 2019, đạt 23.2 tỷ USD.
Sau khi có sự cải thiện nhẹ vào 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI trong tháng 3 đã tụt dưới ngưỡng 50 điểm, đạt 49.9 điểm. Điều này phản ánh tăng trưởng của ngành sản xuất của Việt Nam đã chậm lại trong tháng 3, trong bối cảnh nhu cầu thế giới vẫn đang tiếp tục giảm đã kìm hãm đà tăng của các đơn đặt hàng mới. Hơn nữa, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu cũng giảm với mức độ giảm thấp nhất kể từ tháng 7/2023 do bối cảnh áp lực cạnh tranh và xung đột địa chính trị. Mặc dù vậy theo S&P Global, các nhà sản xuất đang ngày càng tin tưởng rằng sản lượng sẽ tăng trong vòng một năm tới.
Tình hình các dự án xây dựng công nghiệp đăng ký cấp mới Q1/2024
Thời điểm Quý IV/2023 số lượng dự án thu hút vào Việt Nam giảm so với thời điểm Quý III nhưng tổng mức đầu tư lại tăng cao hơn rất nhiều. Tình hình thu hút đầu tư của Quý I/2024 tăng so với thời điểm Quý 1/2023, các dự án FDI cấp mới Quý I/2024 cho thấy sự tăng trưởng rất rõ rệt. Việt Nam đang ngày càng khẳng định tiềm năng thu hút đầu tư lớn, đặc biệt đối với các dự án quy mô lớn, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia.
“Theo dữ liệu hệ thống HOUSELINK, trong 3 tháng đầu năm 2024, các dự án thuê đất chiếm tỷ trọng lớn, với hơn 50% dự án thuê đất xây dựng đăng ký cấp mới đầu tư. Số lượng dự án thuê đất trong Quý 1 năm nay cũng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023”
Điện tử là ngành dẫn đầu trong top 10 ngành nghề thu hút dự án đầu tư 3 tháng đầu năm 2024, các dự án này tập trung chính tại khu vực miền Bắc. Trong hai năm gần đây do Nhà nước có chính sách rất rõ ràng trong việc thu hút hút đầu tư với nhiều tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư khắt khe hơn cả về chất và lượng nên các ngành nghề thu hút đầu tư không có sự thay đổi nhiều. Xếp vị trí thứ hai là các dự án ngành kim loại, theo sau là ngành nhựa-cao su và máy móc thiết bị. Đặc biệt ngành sản xuất ô tô cũng xuất hiện trong top 10 ngành thu hút 3 tháng đầu năm 2024 (chủ yếu là dự án sản xuất linh phụ kiện). Dệt may và da giày mặc dù giảm cả về số lượng dự án đầu tư và vốn đăng ký nhưng vẫn nằm trong top 10 ngành thu hút nhiều nhất vào Việt Nam Quý I/2024.
Tình hình thu hút các dự án công nghiệp xây dựng trong 5 năm trở lại đây
Năm 2023 hệ thống HOUSELINK ghi nhận số lượng dự án đạt 825, tăng 28% so với năm 2022 và cao nhất trong 5 năm trở lại đây, nhưng tổng mức đầu tư giảm nhẹ (14% so với năm 2022). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các vấn đề địa chính trị toàn cầu làm cho xu hướng đầu tư công nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo, số lượng dự án thuê đất công nghiệp vốn trên 2 triệu USD đầu tư tại Việt Nam cũng ghi nhận sự sụt giảm nhẹ các năm từ 2020 đến 2022, tuy nhiên mức độ giảm không đáng kể. Sang năm 2023 đã có sự cải thiện và tăng trưởng về số lượng dự án. Tổng mức đầu tư thu hút ghi nhận con số cao nhất năm 2021 do một số dự án đầu tư lớn năm này.
Dựa trên hệ thống HOUSELINK, các dự án vốn trên 2 triệu USD được đầu tư nhiều bởi nguồn vốn đầu tư trong nước, hiện chiếm tỷ trọng cao nhất cả về số lượng và tổng vốn đầu tư trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay. Theo sau là nguồn vốn FDI-Trung Quốc đứng thứ hai trong đầu tư vào Việt Nam. Các dự án vốn FDI-Hoa Kỳ mặc dù số lượng dự án rất ít nhưng quy mô các dự án đầu tư lại rất lớn, góp mặt trong top 5 nguồn vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Xét theo số lượng dự án, sau Trung Quốc thì Hàn Quốc, Đài Loan Nhật Bản lần lượt xếp thứ 3, 4 và 5 về số lượng dự án thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Tổng quan tình hình các dự án công nghiệp chuẩn bị xây dựng tại Việt Nam
Theo dữ liệu hệ thống của HOUSELINK, chúng tôi ghi nhận các dự án mở rộng và dự án xây mới có sự chênh lệch khá lớn về tổng mức đầu tư nhưng số lượng dự án lại không chênh nhiều. Trong đó các dự án xây dựng mới chiếm tỷ lệ cao hơn cả về mặt số lượng và tổng mức đầu tư. Cả 2 loại hình xây dựng đều có sự xuất hiện của các dự án lớn tuy nhiên số lượng không quá lớn. Qua việc thu hút các dự án mới cùng với mức vốn vượt trội so với các dự án mở rộng có thể thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư mới khi tham gia sản xuất cùng với tiềm năng phát triển lớn tại thị trường Việt Nam.
Số lượng dự án đang chuẩn bị triển khai thi công tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc, tập trung chính tại các tỉnh như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên. Đây cũng là vùng miền có nhiều dự án đầu tư lớn của cả nước. Số lượng dự án tại miền Trung ít nhất trong cả ba miền, tuy nhiên miền Trung có đặc thù là nơi đầu tư của nhiều dự án năng lượng đã đẩy quy mô vốn đầu tư của các dự án tại khu vực này lên cao nhất trong cả ba miền.
Đọc báo cáo chi tiết tại đây!
Để đọc các báo cáo đầu tư ngành và thị trường xây dựng Việt Nam tại
Năm 2022 Việt Nam đạt những con số ấn tượng về GDP từng Quý cao nhất trong năm năm trở lại đây (Quý 2 GDP đạt 7.72% và Quý 3 đạt 13.67%). Đây là những con số phản ảnh tốc độ hồi phục và tăng trưởng vô cùng tốt sau khi trải qua những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua của Việt Nam. Tuy nhiên sang Quý 4/2022, nếu như mọi năm Quý 4 là thời điểm bùng nổ nhất trong năm về tăng trưởng kinh tế thì năm 2022, chỉ số GDP Quý 4 lại giảm xuống chỉ còn 5.92%, không còn tăng mạnh như những Quý trước đó. Đây là kịch bản đã được dự đoán từ trước tình hình kinh tế thế giới đối mặt nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam . Tính chung cả năm 2022 GDP tăng trưởng mức 8.02%. Dự báo với những khó khăn và thách thức như hiện nay, GDP năm 2023 sẽ cán mốc 6.5%.
Tổng giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022 đạt khoảng 27.72 tỷ USD. Có thể thấy tổng vốn đăng ký của các loại dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần bị giảm khoảng 11% so năm 2021 và thấp nhất trong cùng kỳ các năm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do FDI thế giới giảm mạnh, những vấn đề xung đột địa chính trị và kinh tế dẫn tới sụt giảm lượng vốn đầu tư nước ngoài.
Theo dữ liệu IIP ghi nhận mức tăng khá trong năm 2022 (tăng 7,8% so với năm 2021), hoạt động sản xuất công nghiệp nhìn chung vẫn đang tiếp tục trên đà hồi phục và tăng trưởng. Chỉ số IIP của các nhóm ngành lớn đều có xu hướng tăng khá bao gồm: ngành khai khoáng tăng 5,5%, ngành chế biến-chế tạo tăng mạnh nhất (8%), ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải cũng đạt mức tăng trưởng với 6,4%.
Chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra thời điểm đầu năm 2022 đã đẩy giá sản phẩm ngành năng lượng tăng mạnh đột biến không những trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Theo thống kê của Tổng Cục Thống Kê (TCTK), chỉ số giá nhập khẩu nhiên liệu trong năm 2022 đạt mức cao ( tăng 35% so với thời điểm cùng kỳ), tuy mức tăng có giảm so với năm 2021 nhưng mức giảm không đáng kể. Và theo như dự báo giá năng lượng trong thời gian tới vẫn chưa có dấu hiệu giảm khi chiến sự giữa hai nước vẫn đang rất căng thẳng. Việc tăng giá nhập khẩu nhiên liệu đã kéo theo giá nguyên vật liệu xây dựng trong năm 2022 cũng tăng (gần 7%). Đây cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2019 tới nay.
Thực trạng đầu tư các dự án công nghiệp Việt Nam 2022
Số lượng dự án cấp mới năm 2022 ít hơn 3% so với năm 2021. Tuy nhiên lượng vốn thu hút lại nhiều hơn 27% so với năm 2021. Chúng tôi nhận định đây là tình trạng chung của nhiều quốc gia, và là hệ quả của việc kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm vừa qua. Đặc biệt khi dòng vốn FDI thế giới cũng có xu hướng giảm. Mặc dù kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn hơn năm 2022 do tình hình vĩ mô thế giới chưa có nhiều chuyển biến tích cực rõ rệt Nhưng chúng tôi kì vọng với nỗ lực duy trì sự tăng trưởng ổn định của kinh tế vĩ mô cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư của chính phủ sẽ giúp cho việc kêu gọi đầu tư nguồn vốn FDI duy trì ổn định và tăng trưởng trở lại trong năm 2023.
Năm 2022, các dự án thuê đất vẫn chiếm tỉ lệ cao hơn dự án thuê xưởng. Nhưng tỷ lệ các dự án thuê nhà xưởng cũng đã tăng nhiều hơn so với thời điểm năm 2021. Tuy nhiên vốn đầu tư của các dự án thuê nhà xưởng vẫn ít hơn hẳn so với các dự án thuê đất. Các phân cấp nguồn vốn của hai loại hình thuê xưởng và thuê đất cũng có sự thay đổi trong năm 2022.
Điện tử, nhựa-cao su, da giày, kim loại, dệt may là top các ngành nghề thu hút đầu tư nhiều nhất trong năm 2022. Trong đó từng tỉnh lại thu hút những ngành nghề đặc trưng khác nhau.
Tổng quan tình hình triển khai dự án công nghiệp Việt Nam năm 2022
Trong khuôn khổ Báo cáo tình hình triển khai dự án công nghiệp tại Việt Nam năm 2022, HOUSELINK tập trung phân tích các dự án đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng (Chuẩn bị dự án, Thiết kế, Đấu thầu, Chọn nhà thầu chính) và các dự án đang triển khai thi công xây dựng dựa trên các tiêu chí: Loại hình xây dựng, Địa phương, Loại hình dự án, Hình thức đầu tư.
Trong năm 2022, các dự án trong giai đoạn chuẩn bị và thiết kế chiếm số lượng cũng như tổng mức đầu tư lớn nhất trong số các dự án công nghiệp. Do chi phí nguyên vật liệu cũng như nhiên liệu tăng cao liên tiếp trong thời gian qua, dẫn tới chi phí xây dựng bị ảnh hưởng rất lớn, chưa kể tới việc đứt gãy nguồn cung khiến cho tâm lý các nhà đầu tư e ngại việc đầu tư, xây dựng dự án. Lượng dự án chuẩn bị xây năm 2022 tăng so với năm 2021 cũng cho thấy nguồn cung dự án có phần tăng trưởng tích cực hơn trong tương lai.
Tại thời điểm năm 2022, các dự án xây dựng mở rộng được triển khai thi công nhiều hơn. Các dự án mở rộng có lợi thế về sự hiểu biết và kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam đã cho thấy tốc độ triển khai nhanh hơn so với các dự án xây mới của các Chủ đầu tư mới.
Dự báo về nhu cầu các dự án tiềm năng chuẩn bị triển khai trong tương lai
Tiềm năng các dự án triển khai trong năm 2023 là khá lớn. Nhưng một vài dự án lớn thuộc các lĩnh vực năng lượng và trung tâm Logistics lại lùi thời gian triển khai sang năm 2024 và 2025. DDI vẫn là nguồn vốn chính chiếm phần lớn trong các dự án chuẩn bị triển khai.