Báo cáo xây dựng công nghiệp Việt Nam Quý 2/2022

Tăng trưởng GDP Quý 2 năm 2022 đạt mức 7.72%. Đây là mức tăng GDP cao nhất thời điểm Quý 2 các năm kể từ năm 2018. Kể từ sau 2 năm đại dịch Covid bùng phát mạnh ở Việt nam, năm 2022 là năm đầu tiên đánh dấu nền kinh tế Việt Nam bắt đầu mở cửa trở lại, mức tăng 7.72% này được coi là dấu hiệu vô cùng lạc quan cho sự phục hồi nền kinh tế.Tổng giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 6 tháng năm 2022 đạt trên 14 tỷ, giảm 8,12% so với cùng kỳ năm trước do sự giảm sút về cả số lượng và giá trị vốn đăng ký cấp mới (giảm tương ứng 6,47% và 48,27%).

Trong Quý 2 chỉ số IIP toàn ngành ghi nhận mức tăng 10.8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số IIP của các nhóm ngành lớn đều có xu hướng tăng bao gồm: ngành chế biến-chế tạo tăng mạnh nhất +12.3%, ngành sản xuất phân phối điện tăng nhẹ +4.3%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng +6.8% và ngành khai khoáng tăng +5%. Con số tăng trưởng trên cho thấy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp được duy trì đều đặn và đang trên đà phục hồi sau khi trải qua năm 2021 bị dịch Covid-19 ảnh hưởng trầm trọng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 185 tỷ USD, tăng 17.3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó khu vực kinh tế nước ngoài đóng góp tới 74% thị phần xuất khẩu. Các doanh nghiệp FDI vẫn là nhóm xuất khẩu chính của thị trường Việt Nam. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, và trong 6 tháng đầu năm này, thị trường EU đã vượt qua thị trường Trung Quốc là trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với mức tăng trưởng 39% so với cùng kỳ. Nhưng với những rủi ro đến từ chính sách phong tỏa của Trung Quốc, chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm liên tiếp và tỷ lệ thất nghiệp tăng ở những quốc gia trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam đang là mối rủi ro hiện hữu cho tình hình xuất khẩu trong 2 Quý còn lại của năm 2022.

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng. Trải qua 2 năm kể từ thời điểm dịch bệnh bắt đầu tác động đến cuộc sống và nền kinh tế, đã có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì vận hành, dẫn tới trong 6 tháng năm 2022, số lượng doanh nghiệp ngừng có thời hạn của cả 2 ngành công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng đã tăng tương ứng 40% và 45% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp diễn chuỗi thời gian tăng mạnh về giá nhập khẩu nhiên liệu trong Quý 1/2022. Theo thống kê của Tổng Cục Thống Kê (TCTK), chỉ số giá nhập khẩu nhiên liệu trong Quý 2 năm 2022 đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại ( tăng hơn 50% so với thời điểm cùng kỳ). Và theo như dự báo giá năng lượng trong thời gian tới vẫn chưa có dấu hiệu giảm khi chiến sự giữa Nga-Ukraine vẫn đang rất căng thẳng. Việc tăng giá nhập khẩu nhiên liệu đã kéo theo giá nguyên vật liệu xây dựng trong Quý 1 năm 2022 cũng tăng mạnh, lên mức hai con số (10.4%). Đây cũng là mức tăng cao nhất của Quý 1 từ năm 2018 tới nay. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, giá dầu Brent và WTI bắt đầu có xu hướng giảm nhờ vào các mỏ dầu Lybia tăng sản lượng . Nhưng việc tăng giá nhiên liệu và vật liệu xây dựng được dự báo sẽ kéo theo sự tăng chi phí xây dựng, dẫn tới tình trạng các dự án có khả năng sẽ bị trì hoãn và các bên liên quan như Chủ đầu tư, Nhà thầu,…cũng sẽ gặp nhiều rủi ro về tài chính và tiến độ dự án.

Dự án FDI cấp mới trong quý 2 năm 2022 giảm so với quý 2 năm 2021 tuy nhiên có nhiều dự án vốn lớn

 

Trình chơi Video

00:00

00:07

 

Trong quý 2 năm 2022, số lượng dự án cấp mới giảm khoảng 27% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vốn đăng ký lại tăng 3,8%. Có thể thấy được rằng tuy số lượng dự án giảm đi nhưng quy mô của các dự án lại tăng lên, cho thấy xu hướng thu hút dự án quy mô lớn vẫn đang tiếp diễn trên thị trường Việt Nam.Trong đó có 47% dự án tập trung ở khu vực miền Bắc, còn ở miền Trung và miền Nam lần lượt là 13% và 40%.

Theo dữ liệu nghiên cứu của HOUSELINK nhận thấy xu hướng thuê nhà xưởng đang có xu hướng tăng cả về khía cạnh số lượng dự án và vốn đăng ký đầu tư. Đặc biệt trong năm 2022 xu hướng này càng thể hiện rõ rệt khi số lượng dự án thuê nhà xưởng Quý I/2022 tăng 132% so với Quý IV/2021 và tăng 193% so với cùng kỳ năm 2021. Còn sang Quý II/2022, số lượng dự án thuê nhà xưởng cũng tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021. Quy mô vốn đầu tư các dự án thuê nhà xưởng cũng có sự tăng cao khi tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án FDI cấp mới trong 6 tháng năm 2022 tăng 93% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó đối với các dự án thuê đất chúng tôi ghi nhận xu hướng ngược lại, khi số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư đều có xu hướng giảm.

Thiết bị điện, logistics và điện tử là top 3 ngành nghề thu hút nhiều vốn đầu tư nhất trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó ngành thiết bị điện nổi lên nhờ các dự án sản xuất tấm silic dùng trong công nghệ sản xuất điện mặt trời. Đây cũng là ngành sản xuất mới xuất hiện ở Việt Nam thời gian gần đây nhưng đang thu hút nhiều sự quan tâm và trong tương lai chúng tôi nhận định đây là ngành đặc biệt phát triển bởi năng lượng tái tạo đang là xu thế hình thành và phát triển rất nhanh ở Việt Nam.

Khu công nghiệp Yên Bình, Nhơn Trạch V, KCN Việt Hàn, KCN VSip Hải Phòng,…thuộc Top 10 khu công nghiệp thu hút vốn đầu tư FDI cấp mới lớn nhất cả nước (Quý 2/2022).

Tổng quan tình hình triển khai dự án công nghiệp Việt Nam Quý 2 năm 2022

Các dự án trong giai đoạn chuẩn bị và thiết kế chiếm số lượng cũng như tổng mức đầu tư lớn nhất trong số các dự án công nghiệp. Mặc dù vẫn bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu và nguyên vật liệu tăng cao và Trung Quốc tiếp tục phong tỏa một số tỉnh thành bởi dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng, dẫn tới có nhiều dự án vẫn chỉ ở bước chuẩn bị dự án. Nhưng so với Quý 1/2022, tại thời điểm cuối Quý 2/2022 số lượng dự án bước vào giai đoạn thi công xây dựng đã tăng 32%. Đây là một tín hiệu tốt cho thị trường xây dựng công nghiệp khi các dự án đang đẩy nhanh tiến độ hơn. Mỗi khu vực có ưu tiên phát triển trong tương lai khác nhau và thu hút loại hình nguồn vốn đầu tư cũng khác nhauTrong khi các tỉnh khu vực phía Bắc có số lượng lớn các dự án trong lĩnh vực trung tâm logistic, dệt may, điện tử. Ở miền Trung vẫn chủ yếu là các dự án nông nghiệp thực phẩm, năng lượng. Còn tại miền Nam nông nghiệp thực phẩm, trung tâm logistic và thực phẩm-đồ uống là top ngành nghề thu hút dự án đầu tư. Có thể thấy các dự án nông nghiệp thực phẩm vẫn đang là ngành nghề nổi bật, đặc biệt ở miền Trung và miền Nam. Ngành này chủ yếu thu hút vốn đầu tư trực tiếp trong nước (DDI), trong bối cảnh các nước lạm phát nghiêm trọng, nhờ phát triển các dự án nông nghiệp thực phẩm, tự chủ được nguồn cung thực phẩm mà Việt Nam có thể kiểm soát được lạm phát khá tốt trong bối cảnh hiện tại.

Tại thời điểm cuối tháng 6 năm 2022, các dự án xây dựng mở rộng đang được triển khai nhiều và tiếp tục là xu hướng phát triển của phân khúc xây dựng công nghiệp trong thời gian tới. Tuy nhiên so với thời điểm cuối tháng 3 thì tỷ lệ các dự án xây mới bước vào giai đoạn xây dựng đã tăng 42%. Chúng tôi nhận định các Chủ đầu tư mới và các Bộ ban ngành của Việt Nam đang có những động thái hết sức tích cực nhằm đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án.

Top 10 Dự Án Xây Dựng Công Nghiệp Đăng Ký Cấp Mới Quý 2 Năm 2022 Theo Giá Trị Vốn Đăng Ký Đầu Tư.