Sự xuất hiện của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng 4 đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế của đất nước, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tất cả các lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt, thời điểm Q3/2021, khi số ca nhiễm tại nhiều tỉnh thành tăng lên rất nhanh, chính sách giãn cách xã hội áp dụng ở hầu hết các tỉnh, thành phố lớn, GDP Việt Nam trong Q3/2021 ghi nhận giảm 6.17% so với cùng kì năm 2020, mức thấp nhất hằng quý được ghi nhận từ trước đến nay. Tổng kết năm 2021, GDP của Việt nam tăng 2.58% – mức tăng thấp nhất kể từ năm 2018.
Tổng giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 12 tháng năm 2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị vốn đăng ký cấp mới và giá trị vốn điều chỉnh tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 15,25 tỷ USD (tăng 4,1%) và 9,01 tỷ USD (tăng 40,5%).
Tiếp nối xu hướng từ đầu năm 2021, số lượng dự án cấp mới giảm khoảng 31,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tổng giá trị vốn đăng ký cấp mới lại tăng hơn 4,1%. Nếu như ở giai đoạn Quý 1 và Quý 2, tuy số lượng dự án cấp mới giảm nhiều nhưng vốn đăng ký cấp mới lại tăng mạnh (>16% mức trung bình) thì tổng kết 12 tháng, giá trị vốn cấp mới chỉ tăng 4,1%. Điều này cho thấy xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư những dự án quy mô lớn vẫn xảy ra từ đầu năm tới cuối năm 2021 nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở thời điểm Quý 3/2021 nên đến thời điểm cuối năm, các dự án quy mô lớn có xu hướng tăng nhưng không còn quá nhiều như trước đó.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở Việt Nam và trên thế giới kéo theo sự đứt gãy chuỗi cung ứng tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu, tuy nhiên những tháng cuối năm 2021 với chiến dịch tiêm phủ vaccine, nới lỏng các biện pháp giãn cách, tình hình sản xuất đã được cải thiện so với khoảng thời gian Quý 3/2021. Theo đó, giá trị hàng hóa xuất khẩu cả năm đạt 336,25 tỷ USD (tăng 19% so với cùng kỳ năm trước), giá trị nhập khẩu hàng hóa đạt 332,25 tỷ USD (tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước). Việt Nam ước tính xuất siêu 4 tỷ USD trong năm 2021.
Việc giảm số lượng dự án đầu tư FDI kết hợp với tình hình triển khai dự án xây dựng gặp nhiều khó khăn, giá vật liệu xây dựng tăng cao, ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh với chính sách giãn cách xã hội đặc biệt tại thời điểm Q.3/2021 đã khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghiệp và xây dựng bị giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động trong năm 2021 tăng tương ứng 18% và 7% so với năm 2020). Trong khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 22.4% so với cùng kỳ năm ngoái và doanh nghiệp quay lại hoạt động cũng giảm gần 10%. Trong năm 2022, với chính sách “Thích ứng an toàn với dịch bệnh” – vừa chống dịch an toàn, vừa phát triển kinh tế và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kết hợp việc tăng đầu tư công để thúc đẩy kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì tình hình hoạt động của các doanh nghiệp được dự đoán cũng sẽ có khởi sắc hơn so với năm 2021, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn cần xây dựng phương án vận hành và tài chính rõ ràng để đề phòng các vấn đề lạm phát tăng hơn và giá nguyên vật liệu vẫn ở mức cao.
Các dự án FDI cấp mới vẫn phân bổ chủ yếu ở miền Bắc và miền Nam. Miền Trung chỉ chiếm một lượng nhỏ dự án đăng ký, chủ yếu là các dự án ngành chế biến chế tạo. Nếu như ở miền Nam, dự án có dấu hiệu tăng lên cả về số lượng và giá trị vốn đầu tư trong Quý 4 sau sự sụt giảm của Quý 3 thì ở miền Bắc Quý 3 lại là thời kì đạt đỉnh về dự án đầu tư trong năm 2021, quý 4 có sự sụt giảm khoảng 13% so với Quý 3 về số lượng dự án. Tại miền Trung, Quý 4 năm 2021 là thời điểm khởi sắc về thu hút vốn đầu tư FDI của vùng với mức tăng 267% so với thời điểm Quý 3 về số lượng dự án, cao hơn thời điểm Quý 1 và Quý 2. Tuy dự án của miền Trung không đáng kể khi so sánh với 2 miền Nam và Bắc nhưng với mức và tần suất tăng đều như hiện tại, chúng tôi nhận định miền Trung sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong thời gian tới khi quỹ đất công nghiệp ở miền Bắc và miền Nam đang ít dần.
Trong năm 2021, số lượng dự án công nghiệp thuê nhà xưởng chiếm 21% tổng số dự án đăng ký mới, giá trị đăng ký đầu tư những dự án này chiếm 5%. Chiếm đa số vẫn là các dự án thuê đất xây dựng. So với thời điểm 8 thời đầu năm 2021, thị phần của các dự án thuê nhà xưởng không thay đổi đáng kể về số lượng nhưng giá trị đăng ký đầu tư giảm từ 11% xuống 5%. Các dự án thuê nhà xưởng chủ yếu tại thị trường miền Bắc với con số áp đảo cả về số lượng dự án và giá trị vốn đăng ký đầu tư. Ở miền Trung chủ yếu vẫn là các dự án thuê đất xây dựng do quỹ đất còn nhiều, nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư và chính quyền cũng đang thực hiện một loạt các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư FDI của vùng.
Trong khuôn khổ Báo cáo tình hình triển khai dự án công nghiệp tại Việt Nam năm 2021, HOUSELINK tập trung phân tích các dự án có vốn đầu tư trên 2 triệu USD đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng (Chuẩn bị dự án, Thiết kế, Đấu thầu, Chọn nhà thầu chính) và các dự án đang triển khai thi công xây dựng dựa trên các tiêu chí: Loại hình xây dựng, Địa phương, Loại hình dự án, Hình thức đầu tư tại thời điểm hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.
Tổng số dự án là 1386 dự án với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 126 tỷ USD, chủ yếu là các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án, 997 dự án, trong đó phần nhiều là các dự án trong giai đoạn chuẩn bị xây dưng, đấu thầu và trong quá trình thiết kế với 795 dự án có 97 tỷ USD giá trị được triển khai trên hơn 23 nghin ha; dự án đã chọn đuợc nhà thầu bao gồm 202 dự án; dự án đang triển khai thi công là 389 dự án . Do tình hình dịch bệnh trong năm vừa qua diễn biến rất phức tạp ảnh hưởng không ít tới tình hình triển khai dự án, cũng như tâm lý các nhà đầu tư e ngại việc đầu tư xây dựng dự án trong thời buổi dịch bệnh, đặc biệt là vấn đề giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao sẽ ảnh hưởng tới chi phí chung nên hầu hết các dự án vẫn chỉ đang ở các bước công tác chuẩn bị.