#baocao, #duancongnghiep, #tinhhinhtrienkhaiduancongnghiep, houselink
(HOUSELINK) – Hoạt động đầu tư xây dựng đang trở lại đường đua với nhiều dấu hiệu tích cực sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Báo cáo Tình hình triển khai Dự án Công nghiệp tại Việt Nam tháng 06/2020 phân tích những chuyển biến mới trong kinh tế, hoạt động đầu tư và tình hình triển khai dự án Công nghiệp trên cả nước.
Trong tháng 06/2020, tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ghi dấu bước chuyển biến tăng trưởng so với tháng 05/2020 và cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu bắt đầu cho đà phát triển hoạt động đầu tư và sản xuất vào những tháng tiếp theo. Song song đó, tốc độ triển khai xây dựng các dự án công nghiệp bắt đầu được đẩy nhanh khi tình hình kinh tế – xã hội được bình ổn.
Báo cáo được bộ phận nghiên cứu thị trường HOUSELINK thực hiện định kỳ nhằm theo dõi toàn diện hoạt động triển khai dự án trong thị trường xây dựng Công nghiệp. Những dự án Công nghiệp đang triển khai hoạt động xây dựng cũng như những dự án đang thực hiện các bước chuẩn bị (chuẩn bị dự án, thiết kế, chọn thầu) để tiến hành thi công xây dựng được tổng hợp, phân tích chi tiết tại Báo cáo.
Nội dung nổi bật:
1.Đầu tư trực tiếp nước ngoài
Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài tháng 06/2020 vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị hình thức đầu tư cấp mới tăng 15%, tương đương với 1,1 tỷ USD vốn đăng ký.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong tháng 06/2020 đạt 1,95 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
2. Sản xuất Công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 06/2020 tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Do nhu cầu về dầu thô giảm mạnh trên toàn thế giới; hoạt động khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên, cũng như các hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác giảm mạnh so với tháng 06/2019.
3. Xuất nhập khẩu hàng hóa
Trong tháng 06/2020, Việt Nam xuất siêu 500 triệu USD. Xét về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giá trị lớn hơn 1,5 lần so với các doanh nghiệp trong nước.
4. Đăng ký doanh nghiệp
Sau hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp dãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế – xã hội đang dần được khôi phục. Số lượng các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 28% so với cùng kỳ tháng trước, cũng như tăng 5,9% so với tháng 06/2019.
5. Chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát cơ bản
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 06/2020 tăng 0,66% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giá 3 lần liên tiếp sau chuỗi giảm sâu kéo dài kể từ Tết Nguyên đán, cũng như giá thịt lợn tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 06.
Báo cáo Tình hình triển khai Dự án Công nghiệp tại Việt Nam dựa trên dữ liệu các dự án công nghiệp có tổng vốn đầu tư hơn 2 triệu USD (tương đương 46 tỷ đồng) với hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) trên nền tảng HOUSELINK. Trong đó, đội ngũ nghiên cứu thực hiện tổng hợp, phân tích dữ liệu và lập báo cáo những dự án đang triển khai hoạt động xây dựng trong tháng 06/2020; cũng như những dự án đang thực hiện các bước chuẩn bị (chuẩn bị dự án, thiết kế, chọn thầu) để chuẩn bị tiến hành thi công xây dựng trong năm 2020.
1.Tổng quan tình hình triển khai xây dựng các dự án Công nghiệp tháng 06/2020
2. Các dự án Công nghiệp đang chuẩn bị xây dựng
a. Dự án công nghiệp chuẩn bị xây dựng theo loại hình công việc
Các dự án công nghiệp chủ yếu là các dự án xây dựng mới. Tuy nhiên, ngày càng nhiều các dự án công nghiệp đang thực hiện mở rộng quy mô dự án công nghiệp hiện hữu.
Bên cạnh hình thức xây dựng mới, ngày càng nhiều nhà đầu tư cân nhắc triển khai mở rộng nhà máy, xưởng sản xuất hiện hữu. Số lượng dự án chuẩn bị triển khai xây dựng mở rộng trong tháng 6/2020 tăng 22% so với tháng 5/2020.
b. Dự án công nghiệp chuẩn bị xây dựng theo địa phương
Bình Dương là địa phương có số lượng dự án chuẩn bị xây dựng lớn nhất. Tuy nhiên, Quảng Ninh có tổng giá trị đầu tư và diện tích sàn xây dựng các dự án công nghiệp chuẩn bị triển khai xây dựng lớn nhất.
Hải Phòng, Hải Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu lần lượt đứng thứ hai, ba, bốn về số lượng các dự án công nghiệp chuẩn bị xây dựng. Trong khi Hải Phòng thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc vào các lĩnh vực cung cấp thiết bị điện, điện tử; các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư Hàn Quốc có số lượng lớn các dự án tại Hải Dương trong các lĩnh vực dệt may, thực phẩm và đồ uống. Bà Rịa Vũng Tàu có số lượng lớn các dự án đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc và tập trung vào sản xuất linh kiện máy móc, vật liệu xây dựng.
Các địa phương còn lại trong Top 10 địa phương có giá trị đầu tư và tổng diện tích sàn xây dựng lớn nhất chủ yếu tập trung tại miền Bắc (Hải Phòng, Hà Nội) và miền Trung (Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi). Điều này thể hiện xu hướng đầu tư sản xuất công nghiệp vào miền Bắc và miền Trung Việt Nam trong thời gian tới.
c. Dự án công nghiệp chuẩn bị xây dựng theo loại hình dự án
Lĩnh vực dệt may có số lượng dự án chuẩn bị xây dựng lớn nhất. Trong khi đó, lĩnh vực năng lượng có tổng mức đầu tư và diện tích sàn chuẩn bị xây dựng lớn nhất.
d. Dự án công nghiệp chuẩn bị xây dựng theo hình thức đầu tư
Hình thức đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) có số lượng dự án, tổng mức đầu tư và diện tích sàn các dự án chuẩn bị xây dựng lớn nhất.
3. Các dự án Công nghiệp đang thi công xây dựng
a. Xây dựng công nghiệp theo loại hình xây dựng
Số lượng các dự án đang xây dựng trong tháng 6/2020 tăng so với tháng 05/2020, theo cả hai hình thức xây dựng mới và xây dựng mở rộng.
Bên cạnh hình thức xây dựng mới, các nhà đầu tư sản xuất cân nhắc phương án xây dựng mở rộng quy mô nhà máy hiện hữu.
b. Xây dựng công nghiệp theo địa phương
Bình Dương có số lượng dự án đang triển khai xây dựng lớn nhất. Trong khi đó, Đồng Nai có tổng mức đầu tư và diện tích sàn xây dựng lớn nhất.
Các tỉnh thành còn lại trong danh sách Top 10 địa phương có số lượng dự án đang xây dựng lớn nhất tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ như Long
An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh và khu vực đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương.
c. Xây dựng công nghiệp theo loại hình dự án
Lĩnh vực dệt may có số lượng dự án đang triển khai xây dựng lớn nhất. Tuy nhiên, lĩnh vực điện tử có giá trị đầu tư và tổng diện tích sàn xây dựng lớn nhất. Nhà máy nhựa, cung cấp thiết bị điện, nông nghiệp & thức ăn chăn nuôi đứng thứ ba, bốn, năm về số lượng dự án công nghiệp đang xây
dựng. Các dự án sản xuất nhựa đang tập trung xây dựng tại các địa phương Long An và Hải Phòng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang tập trung phát triển nhà máy thiết bị điện tại Hải Phòng và Hà Nam, cũng như nhà máy nông nghiệp & thức ăn chăn nuôi tại Bình Định.
Các lĩnh vực còn lại nằm trong Top 10 có giá trị đầu tư và tổng diện tích sàn xây dựng lớn nhất bao gồm nhà máy nhựa, hạ tầng công nghiệp, vật
liệu xây dựng, nông nghiệp & thức ăn chăn nuôi, đồ nội nhất, chế biến lâm sản, trung tâm logistic, năng lượng và hóa chất với tổng giá trị đầu tư mỗi lĩnh vực dao động từ 200 đến 300 triệu đô la Mỹ.
d. Xây dựng công nghiệp theo hình thức đầu tư
Nếu xét theo tiêu chí hình thức đầu tư của các dự án đang triển khai xây dựng trong tháng 06/2020, đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) chiếm ưu thế cả về số lượng dự án, tổng giá trị đầu tư và diện tích sàn xây dựng.
Tại thời điểm tháng 06/2020, nguồn vốn DDI chiếm đến 28% tổng số lượng dự án công nghiệp đang triển khai xây dựng. Hình thức đầu tư DDI có số lượng lớn các dự án dệt may, nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, Long An và Đồng Nai có số lượng áp đảo các dự án đầu tư trực tiếp trong nước so với các địa phương khác.
Theo sau hình thức đầu tư DDI về số lượng dự án đang xây dựng là đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu đến từ các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, HongKong. Trong khi đầu tư trực tiếp Hàn Quốc và Đài Loan có số lượng dự án đang xây dựng nhỉnh hơn tại khu vực phía Nam, các nhà đầu tư Trung Quốc, Nhật Bản và Hongkong lại có nhiều dự án hơn tại khu vực phía Bắc.