Tăng trưởng GDP Quý II năm 2022 ước tính tăng 7.72% so với cùng kỳ năm trước theo tính toán của Tổng cục thống kê (TCTK). Đây là mức tăng trưởng Quý II cao nhất kể từ một thập kỷ vừa qua. Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp với các cú sốc lạm phát ở nhiều quốc gia ở thời điểm đầu năm 2022 và Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của sự tăng trưởng sau đại dịch thì con số tăng trưởng này là vô cùng ấn tượng cho thấy kinh tế đang có khởi sắc rất rõ nét. Trong đó hơn 39% đóng góp vào mức tăng đến từ khu vực Công nghiệp và xây dựng.
Chỉ số IIP của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng khoảng 9%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng nhiều nhất (~10%). Chỉ số sản xuất công nghiệp tổng và của riêng ngành chế biến chế tạo năm 2022 thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2021 và chỉ cao hơn mức năm 2020, gần ngang bằng mức cùng kỳ năm 2018.Tuy vẫn duy trì mức tăng kể từ thời điểm xuất hiện đại dịch, nhưng việc giá cả thế giới biến động, khan hiếm nguyên vật liệu, đặc biệt giá nguyên nhiên liệu tăng cao do ảnh hưởng chiến tranh Nga-Ukraine và chiến dịch Zero Covid của Trung Quốc đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất.
Theo khảo sát của GSO vào cuối năm 2020, hiện tại Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng. Trong đó những người trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên phân bổ tương đối đồng đều giữa các vùng miền và số lượng lao động ngành Công nghiệp và xây dựng hiện vẫn đang có xu hướng tăng trưởng.
Tuy nhiên xét về lĩnh vực nghề nghiệp, số lượng lao động có chuyên môn trung bình và cao vẫn chiếm tỉ lệ thấp. Điều này đặc biệt thể hiện rất rõ ràng trong các doanh nghiệp vốn FDI khi ở hầu hết các ngành nghề vẫn chủ yếu là lao động có trình độ kỹ năng thấp và trung bình. Bài toán về tìm kiếm lao động chuyên môn cao, dặc biệt ở mức độ quản lý trở lên vẫn là bài toán khó trong thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay.
Khó khăn trong việc tuyển dụng lao động theo yêu cầu nằm trong top những khó khăn lớn nhất trong việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt đối với doanh nghiệp FDI thì vấn đề lao động này đứng thứ 2 trong số các vấn đề ảnh hưởng nhiều nhất. Đặc biệt sau 2 năm dịch Covid-19 ảnh hưởng cộng với giá nhiên liệu và các sản phẩm thiết yếu khác tăng cao thì xu hướng người lao động tìm kiếm cơ hội ở môi trường thu nhập tốt hơn, dịch chuyển về địa phương cho chi phí ở khu vực thành thị ngày càng đắt đỏ là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng khó tuyển dụng lao động. Việc Khu công nghiệp hay Nhà đầu tư quan tâm, đẩy mạnh phát triển những hình thức hạ tầng tiện ích xã hội như nhà ở, trường học,..v..v bên cạnh việc cạnh tranh về mức thu nhập với các Công ty khác sẽ giúp thu hút hơn lực lượng lao động cống hiến lâu dài cho doanh nghiệp.
Thay thế cho Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế là Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2022. Nghị định mới này được kì vọng sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp…
Theo kháo sát của HOUSELINK về hạ tầng giao thông nội bộ của 277 Khu công nghiệp (KCN) trên cả nước, việc xây dựng một số đường xung quanh KCN hiện nay đã cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế cơ sở hạ tầng giao thông nội khu công nghiệp. Theo đó, việc sử dụng 4 làn xe đường chính và 2 làn xe đường phụ chiếm phần lớn (gần 70%) đặc biệt với các KCN hoạt động từ năm 2003 đến 2009 một phần do đây là giai đoạn nhiều KCN được xây dựng và đi vào hoạt động, tiếp theo là giao thông nội bộ với 2 làn đường chính và 2 làn đường phụ (chiếm khoảng 11%). Sau năm 2009 cho đến nay, việc xây dựng với quy mô đường 8 làn xe hầu như không còn được áp dụng nữa do quỹ đất không còn nhiều. Giao thông nội bộ trong các KCN hiện nay đã cơ bản hoàn thành với chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu di chuyển nội bộ trong KCN. Với thiết kế cơ bản theo kiểu bàn cờ giúp việc đi lại trong KCN được thuận tiện, dễ dàng.
Hiện nay, có rất nhiều các loại hình giao thông đường bộ được xây dựng gần hoặc thậm chí đi xuyên qua các khu công nghiệp như các cao tốc, tỉnh lộ, nhưng chiếm phần lớn là các tuyến quốc lộ (70,22%) so với tổng các loại hình giao thông. Thậm chí các KCN ở miền Bắc còn có tới 11% KCN tiếp giáp trực tiếp với đường cao tốc và nếu tính riêng các KCN thuộc nhóm 3 (theo khoảng cách tới các thành phố lớn) thì con số này là 18%. Đây là một yếu tố rất hấp dẫn, các Chủ đầu tư hoàn toàn có thể yên tâm về giao thông khi đầu tư dự án tại các KCN ở Việt Nam nói chung và ở miền Bắc nói riêng.
Khi chúng tôi phân định các KCN ở các miền theo nhóm khoảng cách tới cao tốc, sân bay, cảng biền gần nhất. Chúng tôi nhận thấy vì địa phận miền trung là nơi có giáp ranh với biển nên các khu công nghiệp được bố trí rất gần với các cảng biển (57,75% tổng số khu công nghiệp miền trung) thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu và giao thương hàng hóa. Và ở miền Nam các KCN gần cảng biển cũng chiếm tới gần 50%. Trái ngược với miền trung, các khu công nghiệp ở miền bắc lại cách khá xa các cảng biển, nhưng lại khá gần với cao tốc (91,74% tổng số khu công nghiệp miền Bắc).
Theo khảo sát, nghiên cứu của chúng tôi, hiện nay hơn 70% các KCN trên cả nước sử dụng nguồn điện từ lưới điện quốc gia với công suất điện 22/110kV. Nhưng những năm gần đây các KCN bắt đầu chú ý tới việc sử dụng nguồn điện tái tạo từ năng lượng mặt trời hay điện gió. Có khoảng 8% các KCN đã xây dựng hệ thống điện mặt trời nội khu. Việc các dự án nhà máy năng lượng tái tạo đang được xây dựng với tần suất đều đặn các năm và ngày càng nhiều nhà máy lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời áp mái. Khi các Chủ đầu tư đặc biệt là các Chủ đầu tư FDI đang đặc biệt quan tâm tới việc sử dụng điện tái tạo và công nghệ kỹ thuật xanh, kết hợp với chính sách của Nhà nước đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì việc các KCN sử dụng năng lượng điện tái tạo và xây dựng nhà máy xử nước thải, rác thải sẽ góp phần thu hút nhiều hơn những nguồn vốn đầu tư chất lượng. Đặc biệt việc phát triển các KCN sinh thái, thu hút nguồn vốn đầu tư xanh đang trở thành xu hướng không những trên thế giới mà còn ở Việt Nam với việc có 5 KCN được thử nghiệm áp dụng mô hình KCN sinh thái, mang lại hiệu quả cao về việc giảm phát thải thì một số các Chủ đầu tư của các KCN lớn cũng đang dần chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái này.
Về nhà máy xử lý rác thải, hiện tại đa số các KCN trên cả nước không có hệ thống nhà máy xử lý rác thải riêng (92%), chủ yếu vẫn sử dụng dịch vụ của địa phương. Cá biệt có các KCN ở khoảng cách dưới 30km tại miền Bắc có gần 20% số KCN có nhà máy xử lý rác thải.
Hiện nay, đa số các khu công nghiệp đều chưa có nhà ở cho công nhân và chuyên gia. Đây là 1 vấn đề khá nghiêm trọng vì hầu hết các khu công nghiệp ở xa trung tâm, xa các khu dân cư nên việc di chuyển đi lại của các công nhân và các chuyên gia làm việc tại nhà máy là bất tiện. Theo nghiên cứu của chúng tôi, có khoảng 50% trên tổng các khu công nghiệp trên cả nước chưa có chỗ ở cho những người làm việc trực tiếp tại khu công nghiệp. Con số KCN có xây dựng nhà ở cho công nhân và chuyên gia ở mức 51% trên cả nước. Đặc biệt con số KCN có xây dựng nhà ở công nhân và chuyên gia ở miền Bắc là gần 53% trong đó các KCN ở nhóm khoảng cách dưới 30km so với các thành phố lớn có tới hơn 70% số khu có xây dựng hạ tầng xã hội này, hai nhóm còn lại đều dưới 50%. Nhưng ở miền Nam trung bình có tới 62% KCN có loại hình nhà ở công nhân và chuyên gia. Trong đó cả 3 nhóm KCN theo khoảng cách đều có số lượng khu có nhà ở công nhân và chuyên gia ở mức cao. Ở miền Trung chưa có nhiều KCN có loại hình này.
Cả nước có khoảng 62% số KCN có các dịch vụ tiện ích cho người lao động trong KCN hoặc ở rất gần KCN. Tuy việc xây dựng nhà ở công nhân và chuyên gia ở miền Nam và miền Trung chưa được quá chú trọng, nhưng những tiện tích xã hội khác cho người lao động như trung tâm thương mại, chợ, bệnh viện, trường học, ngân hàng lại là những hạ tầng được các KCN tại 2 miền này quan tâm hơn khi ở miền Trung có tới 93% KCN có các hạ tầng tiện ích xã hội trong KCN và hoặc gần các hạ tầng tiện ích này. Và ở miền Nam con số này là 67%. Xét chung mặt bằng các KCN cả nước, có tới hơn 60% các KCN có các hạ tầng tiện ích xã hội này.
Đất công nghiệp cho thuê là hình thức sản phẩm bất động sản công nghiệp phổ biến nhất và phát triển lâu đời nhất trong các Khu công nghiệp ở Việt Nam. Dựa trên khảo sát 258 Khu công nghiệp đang hoạt động, chúng tôi nhận thấy có 33% quỹ đất công nghiệp được cho thuê với giá dưới 50 USD/m2/chu kì thuê, tiếp theo đó là 26% KCN có giá thuê đất từ 51-70 USD/m2/chu kì thuê. Đặc biệt trong năm 2021 đã xuất hiện một số KCN có giá thuê đất >200 USD/m2/chu kì thuê, chủ yếu tại khu vực miền Nam, mặc dù chỉ chiếm 3% nhưng cũng cho thấy giá thuê đất đã có sự tăng bậc đặc biệt tại khu vực miền Nam trong năm qua.
Loại hình nhà xưởng xây sẵn còn dư địa cho thuê hiện tại vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam với khoảng 50% KCN có loại nhà xưởng xây sẵn tập trung ở đây. Và ở khu vực phía Bắc theo sát với 45% KCN có nhà xưởng xây sẵn. Loại hình này ở khu vực miền Trung hầu như không phát triển, chỉ có gần 5% các KCN có nhà xưởng xây sẵn tập trung ở miền Trung.
Theo số liệu của HOUSELINK, trong 6 tháng năm 2022 có khoảng 27 Khu công nghiệp mới được bổ sung trên phạm vi cả nước. Trong đó, khu vực miền Bắc được bổ sung nhiều nhất với 15 khu , miền Nam có 7 khu công nghiệp và ở miền Trung là 5 khu. Cả về số lượng và diện tích quy hoạch, các Khu mới ở miền Bắc đều chiếm đa số, cho thấy nguồn cung các tỉnh phía Bắc đang rất sẵn sàng đón đầu nguồn vốn đầu tư mới trong các năm tiếp theo.
Xu hướng thuê nhà xưởng đang có xu hướng tăng cả về khía cạnh số lượng dự án và vốn đăng ký đầu tư. Đặc biệt trong năm 2022 xu hướng này càng thể hiện rõ rệt khi số lượng dự án thuê nhà xưởng Quý I/2022 tăng 132% so với Quý IV/2021 và tăng 193% svck năm 2021. Còn sang Quý II/2022, số lượng dự án thuê nhà xưởng cũng tăng 100% svck năm 2021. Quy mô vốn đầu tư các dự án thuê nhà xưởng cũng có sự tăng cao khi tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án FDI cấp mới trong 6 tháng năm 2022 tăng 93% svck năm 2021. Trong khi đó đối với các dự án thuê đất chúng tôi ghi nhận xu hướng ngược lại, khi số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư đều có xu hướng giảm.
Điều này cho thấy các Nhà đầu tư đang rất quan tâm và dành sự chú trọng đặc biệt đến mô hình thuê nhà xưởng tại các KCN. Việc đa dạng hóa về loại hình nhà xưởng, nâng cao chất lượng nhà xưởng đi kèm phát triển các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng tiện ích trong KCN sẽ góp phần thu hút nhiều hơn và tạo niềm tin cho các Nhà đầu tư khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Trong 6 tháng năm 2022, chúng tôi ghi nhận ngành dệt may là ngành nghề có nhiều dự án FDI đăng ký cấp mới nhất. Theo sau là các dự án thuộc ngành: Điện tử, Kim loại, Logistic, Da giày,v..v. Có thể thấy trong thời gian vừa qua, dệt may là một trong những ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt ở miền Trung và miền Nam thì đây là ngành thu hút nhiều dự án nhất. Còn tại miền Bắc, điện tử và logistic vẫn là 2 ngành nghề mũi nhọn. Điều này hoàn toàn phù hợp với hạ tầng KCN tại ba miền. Ở miền Nam từ xưa vốn là vùng miền phát triển ngành Dệt may do đây là nơi tụ hội của nhiều dự án dệt may lớn từ trước, thêm nữa các KCN tại đây có cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động dồi dào hơn cho ngành này. Còn tại miền Bắc hệ thống nhà xưởng kho bãi ngành Logistic đang rất được chú trọng đầu tư. Hơn nữa, đây là khu vực có nhiều KCN đầu tư hạ tầng về kỹ thuật cao, việc nhập khẩu nguyên vật liệu điện tử đặc biệt từ Trung Quốc có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt trong việc thu hút dòng vốn FDI ngành điện tử.