Quý 3 năm 2022, tăng trưởng GDP của cả nước đạt 13.67%, cao nhất trong quý 3 của 5 năm trở lại đây (2018-2022). Trong đó ngành công nghiệp và xây dựng cùng với ngành dịch vụ, nông lâm nghiệp và thủy sản cũng duy trì đà tăng so với thời điểm cùng kỳ các năm.
Tiếp sau Quý 3, Quý 4 là quý hết sức quan trọng, mang tính chốt hạ của cả năm. Các hoạt động kinh tế hầu hết đều dồn vào thời điểm quý 4. Từ nay đến quý 4 những cú shock mang tính đột biến về kinh tế được các chuyên gia đánh giá ít có khả năng xảy ra. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch đầu tư Việt Nam, nếu quý 4 đạt tăng trưởng 4%, cả năm Việt Nam có thể đạt 7.5%. Đây là con số hoàn toàn khả thi. Và nếu quý 4 Việt Nam phấn đấu đạt 6% thì cả năm GDP có thể đạt khoảng 8%.
Tổng giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 đạt khoảng 18.75 tỷ USD. Có thể thấy tổng vốn đăng ký của các loại dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần bị giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp nhất trong cùng kỳ các năm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do FDI thế giới giảm mạnh, những vấn đề xung đột địa chính trị và kinh tế dẫn tới sụt giảm lượng vốn đầu tư nước ngoài.
Tình hình triển khai dự án công nghiệp Quý 3/2022
Quý 3 năm 2022, cả nước thu hút khoảng 90 dự án FDI cấp mới ở ngành Công nghiệp Chế biến chế tạo và các dự án xây dựng nhà xưởng, kho bãi. Số lượng dự án thu hút nhiều hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên xét về lượng vốn đăng ký đầu tư thì Quý 3 năm nay lượng vốn đăng ký chỉ bằng 70% so với Quý 3 năm 2021. Vốn trung bình cũng giảm 36% so với cùng kỳ.
Mặc dù việc thuê nhà xưởng là xu hướng có sự gia tăng trong năm 2021, nhưng sang Quý 3 năm 2022 chúng tôi ghi nhận các dự án thuê nhà xưởng có sự giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Trên tổng mặt bằng chung, các dự án thuê đất vẫn chiếm đa số các dự án FDI đầu tư cấp mới vào Việt Nam trong Quý 3/2022 (chiếm 73% số lượng dự án).
Trong Quý 3/2022, các dự án trong giai đoạn chuẩn bị và thiết kế chiếm số lượng cũng như tổng mức đầu tư lớn nhất trong số các dự án công nghiệp. Do chi phí nguyên vật liệu cũng như nhiên liệu tăng cao liên tiếp trong thời gian qua, dẫn tới chi phí xây dựng bị ảnh hưởn rất lớn, chưa kể tới việc đứt gãy nguồn cung khiến cho tâm lý các nhà đầu tư e ngại việc đầu tư, xây dựng dự án.
Trong đó, các dự án ở giai đoạn chuẩn bị và thiết kế có sự cân bằng về số lượng dự án xây dựng mở rộng và xây dựng mới. Điều này cho thấy bên cạnh các chủ đầu tư đã đầu tư trước đây vẫn đang triển khai các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, thì Việt Nam cũng đang là điểm đến hấp dẫn, là sự lựa chọn tốt cho các chủ đầu tư mới. Đây cũng là điểm sáng trong việc thu hút vốn đầu tư của Việt Nam.