Năm 2022 là năm kinh tế thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực. Đầu tiên là những hệ quả gây ra bởi dịch bệnh Covid-19, tiếp đó là cuộc khủng hoảng năng lượng, thực phẩm từ chiến sự Nga-Ukraine đẩy giá cả và lạm phát tăng cao, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tiến hành các biện pháp phong tỏa phòng dịch đã khiến cho kinh tế trong suốt 9 tháng năm 2022 diễn ra hết sức ảm đạm. Trước diễn biến suy yếu này, phần lớn các dự báo kinh tế toàn cầu chưa thể phục hồi trong quý tới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn tồn tại rất nhiều thách thức về chính trị, dịch bệnh, rủi ro suy giảm, lạm phát,.v.v Trong bối cảnh đó, dự báo mới nhất về tăng GDP toàn cầu năm 2022 sẽ chỉ dao động ở ngưỡng 2,4%-3,2%
FDI thế giới đang có xu hướng giảm từ năm 2017 đến 2021. Năm 2021 dòng vốn FDI toàn cầu ghi nhận mức tăng 30% so với năm 2020. Tuy nhiên bước sang năm 2022 vốn FDI toàn cầu lại được dự đoán sẽ khá ảm đảm so với năm 2021 do sự không chắc chắn của nhà đầu tư và rủi ro đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng cộng với chi phí nguyên vật liệu tăng cao và rủi ro khác từ những xung đột chính trị, kinh tế trên thế giới. Dự báo vốn FDI toàn cầu năm nay có thể đi ngang hoặc theo chiều hướng đi xuống so với năm 2021.
Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất ngành thiết bị điện trong năm 2021 với 898,9 triệu USD, đứng thứ 2 là Hồng Kông với 395,5 triệu USD. Trong 6 năm (2016-2021), Trung Quốc vẫn luôn giữ vị thế đứng đầu trong thị trường xuất khẩu ngành thiết bị điện. Bên cạnh đó, về thị trường nhập khẩu, trong 5 năm 2016-2020, Mỹ là nước dẫn đầu về thị trường nhập khẩu ngành thiết bị điện, nhưng sang đến 2021, Trung Quốc đã vượt qua và trở thành nước nhập khẩu thiết bị điện nhiều nhất thế giới.
Tăng trưởng GDP Quý III của Việt Nam năm 2022 ước tính tăng mạnh 13.67% so với cùng kỳ năm trước theo tính toán của Tổng cục thống kê (TCTK). Đây là mức tăng trưởng Quý III cao nhất kể từ một thập kỷ vừa qua. Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp với các cú sốc lạm phát ở nhiều quốc gia ở thời điểm đầu năm 2022 và Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của sự tăng trưởng sau đại dịch thì con số tăng trưởng này là vô cùng ấn tượng cho thấy kinh tế đang có khởi sắc rất rõ nét.
Riêng ngành thiết bị điện, dây điện và cáp điện là một trong số những sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất. Giá trị xuất khẩu các sản phầm dây và cáp điện vẫn đang có xu hướng tăng trưởng rõ rệt. 9 tháng năm 2022 giá trị xuất khẩu sản phảm này có sự tặng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong ngành. Về nhập khẩu, các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu nhiều các loại dây điện và cáp điện. Giá trị nhập khẩu liên tục tăng theo thời gian, thị trường nhập khẩu chủ yếu vẫn từ Trung Quốc (chiếm 43,9%).
Tình hình dự án đầu tư ngành thiết bị điện tại Việt Nam 9M/2022
Đầu tư vào ngành thiết bị điện thể hiện đà tăng liên tiếp nhưng giảm vào giai đoạn dịch bệnh Covid-19, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi hoàn toàn.
Về khía cạnh tổng vốn đầu tư, thị trường Việt Nam ghi nhận con số 5.5 tỷ USD tổng vốn đăng ký ngành thiết bị điện và 339 tổng số dự án từ năm 2013 đến nay trong đó nguồn vốn đầu tư FDI vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Tín hiệu đáng mừng vào các năm 2019,2021 ghi nhận nhiều dự án có quy mô đầu tư vốn lớn. Dòng vốn qua các năm có sự dao động mạnh, không theo chiều tăng dần như số lượng dự án, nhưng nhìn chung vẫn có xu hướng tăng. Đặc biệt là các dự án vốn DDI những năm gần đây có xu hướng khởi sắc hơn, cả những dự án vốn 100% DDI và liên doanh vốn DDI-FDI.
Những năm gần đây Việt Nam bắt đầu thu hút dự án thiết bị điện từ những nguồn vốn đầu tư đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.
Trong suốt chặng đường đầu tư vào ngành thiết bị điện từ năm 2013 tới nay, chúng tôi ghi nhận một số quốc gia và vùng lãnh nằm trong top các nước đầu tư nhiều vào ngành thiết bị điện ở Việt Nam như: Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore,v.v. Đa phần các quốc gia này đều là các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á. Hoa Kỳ và Hà Lan cũng góp mặt trong top các nước đầu tư dự án ngành thiết bị điện vào Việt Nam. Trong số các nước trên nổi bật nhất là các dự án đầu tư đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc, luôn chiếm tỉ trọng nhiều trong thị phần số dự án thiết bị điện đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Chuỗi cung ứng đầu tư ngành thiết bị điện ở Việt Nam
Chuỗi cung ứng đầu tư ngành thiết bị điện tại Việt Nam tính từ năm 2013 tới nay chủ yếu chú trọng vào khâu gia công, lắp ráp. Tiếp theo là sản xuất linh kiện, bộ phận. Các dự án thuộc công nghiệp hỗ trợ và sửa chữa thiết bị điện có nhưng chưa nhiều và ở quy mô khá khiêm tốn. Trong đó nổi bật là các dự án gia công lắp ráp, chiếm ưu thế trong đầu tư ngành thiết bị điện nước ta cả về số lượng và vốn đăng ký với 206 dự án và 4,08 tỷ USD. Đây là hiện trạng không chỉ của riêng ngành Thiết bị điện, mà ở đa số các ngành nghề, dự án đầu tư vào Việt Nam chủ yếu ở mảng gia công và lắp ráp. Nguyên vật liệu chủ yếu đều được nhập khẩu từ nước ngoài.
Phân bổ dự án theo loại hình sản xuất
Tại thị trường Việt Nam, theo số lượng dự án có sự thu hút khá đồng đều giữa các ngành sản xuất. Nổi trội nhất là sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối điện,v.v., sản xuất pin và ắc quy thu hút nhiều dự án đầu tư nhát. Tiếp đến là sản xuất dây và thiết bị dây dẫn, sản xuất đồ điện dân dụng và thiết bị điện chiếu sáng. Hầu hết các ngành sản xuất đều có xu hướng giảm mạnh trong năm 2022. Nhưng xét về mức độ tăng trưởng, các dự án sản xuất pin và ắc quy (nổi trội là các dự án sản xuất pin mặt trời) có sự tăng trưởng nhanh, đặc biệt là vào năm 2021(tăng 560% về tổng vốn đăng ký so với năm 2021). Năm 2022 các dự án ngành sản xuất pin và ắc quy này tuy có giảm về số lượng dự án và vốn đăng ký so với năm 2021 nhưng vẫn cao hơn các năm trước đó. Đây cũng được coi là một trong những ngành sản xuất hấp dẫn nhất thời điểm hiện tại.
Miền Bắc là nơi tập trung chủ yếu các dự án sản xuất cả về số lượng lẫn quy mô vốn đăng ký đầu tư. Đặc biệt nổi trội là các dự án sản xuất pin-ắc quy và sản xuất dây và thiết bị dây dẫn. Tập trung chủ yếu ở Hải Phòng, Bắc Giang và Bắc Ninh. Trong khi đó Miền Nam lại thu hút nhiều dự án sản xuất điện dân dụng, các loại mô tơ, máy phát,v.v. và thiết bị điện chiếu sáng. Các dự án tại miền Trung ít đa dạng hơn về ngành sản xuất và phân bổ khá rải rác.
Các dự án thiết bị điện chuẩn bị hình thành trong tương lai
Dựa trên dữ liệu các dự án công nghiệp có vốn đầu tư từ 2 triệu USD trở lên (tương đương 46 tỷ đồng) với hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) trên nền tảng HOUSELINK trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện; chúng tôi thực hiện tổng hợp, phân tích dữ liệu và lập báo cáo những dự án đang triển khai hoạt động xây dựng và đang thực hiện các bước chuẩn bị (chuẩn bị dự án, thiết kế, chọn thầu). Tất cả các dự án đã được kiểm chứng và xác thực bởi HOUSELINK.
Theo dữ liệu của chúng tôi, các dự án sắp triển khai đa phần tập trung ở miền Bắc (chiếm tới 62% số lượng dự án), 23% dự án chuẩn bị triển khai ở miền Nam và khoảng 15% dự án chuẩn bị tiến hành ở miền Trung. Có thể thấy trong tương lai thị trường miền Bắc tiếp tục là thị trường sôi nổi cho các dự án ngành thiết bị điện. Đặc biệt đa số trong đó là các dự án ở giai đoạn chuẩn bị, chưa tiến hành đấu thầu và chưa chọn nhà thầu chính.
Các dự án chuẩn bị xây dựng trong tương lai được đầu tư bởi cả vốn FDI và DDI. Các dự án DDI chiếm đa số trong tổng số nguồn vốn đầu tư của các dự án chuẩn bị triển khai (41%). Theo sau là các dự án vốn FDI-Japan(24%) và FDI-China (19%).
Xét về loại hình xây dựng, có thể thấy ngoài các dự án xây dựng mở rộng của các chủ đàu tư hiện hữu, Việt Nam cũng thu hút được nhiều sự quan tâm của các Chủ đầu tư mới ngành Thiết bị điện. Mặc dù số lượng thu hút không quá nhiều, nhưng mức độ chênh lệch giữa dự án xây mới và mở rộng về mặt số lượng không quá lớn cũng đã phần nào giúp đa dạng hơn thị trường ngành Thiết bị điện tại Việt Nam trong tương lai.